#4- Cụ thể và trừu tượng, nguyên lý của tri thức


Trừu Tượng và Cụ Thể: Hai Góc Nhìn Quan Trọng Trong Công Việc

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với hai khái niệm rất quan trọng nhưng ít khi được chú ý đến: trừu tượngcụ thể. Cả hai đều có vai trò thiết yếu trong cách chúng ta nhìn nhận và giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong công việc. Tuy nhiên, ít người thực sự hiểu rõ về sự khác biệt và mối quan hệ giữa chúng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hai khái niệm này, từ đó nâng cao khả năng làm việc hiệu quả.

Có hai người cùng học nghề mộc dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy. Một ngày nọ, sư phụ giao cho họ một nhiệm vụ: “Hãy đóng một cái ghế.”

🪵 Người thứ nhất hỏi ngay:
👉 “Thưa thầy, ghế đó cần cao bao nhiêu? Loại gỗ nào? Sơn màu gì?”

🛠 Người thứ hai lại hỏi:
👉 “Thưa thầy, cái ghế này dùng để làm gì? Dành cho ai?”

Sư phụ mỉm cười. Người thứ nhất quan tâm đến cụ thể, còn người thứ hai đang tìm kiếm trừu tượng.

Bài học rút ra

  • Nếu bạn chỉ nhìn vào chi tiết cụ thể, bạn sẽ làm đúng yêu cầu nhưng có thể bỏ lỡ bức tranh lớn.
  • Nếu bạn hiểu được cấp độ trừu tượng, bạn có thể sáng tạo và đưa ra giải pháp tốt hơn.

Trên đây là một ví dụ cho câu chuyện về tính cụ thể và tính trừu tượng, đây cũng là nội dung chính trong cuốn sách cùng tên 具体と抽象 世界が変わって見る 知性のしくみ, tạm dịch là “Cụ thể và trừu tượng, nguyên lý của tri thức, nhìn thế giới ở một góc độ khác”.

Khi chúng ta nói về một vấn đề nào đó, khi ta không hiểu rõ ta sẽ đặt thêm yêu cầu nói chi tiết hơn cụ thể hơn đi. Bởi vậy khi nghe một câu chuyện mà ta thấy khó hiểu thì ta cho rằng câu chuyện trừu tượng. Như vậy ta cho rằng cụ thể là dễ hiểu còn trừu tượng là khó hiểu. Cụ thể là những thứ ta có thể nhìn thấy được bằng mắt, liên kết được chúng với vật thật, còn trừu tượng thì ta không thấy được bằng mắt, và đôi khi có sự khác biệt với thực tế.

Những người mà sống ở vùng nuôi trồng thuỷ sản, họ sẽ phân biệt những con ốc đến chi tiết. Ví dụ con ốc nhồi, ốc bươu vàng, ốc hương, ốc điếu…nhưng những người mà không tiếp xúc với những con vật này thì họ gom tất cả những con này thành con ốc. Tức con ốc là một nhóm những con vật có cùng đặc tính là động vật thân mềm, có vỏ, sống ở các vùng nước ngọt, nước lợ, nước mặn, cũng có thể sống được trên cạn.

Tính trừu tượng và cụ thể mang tính chất tương đối. Càng phân ra chi tiết hơn thì nó càng cụ thể, còn càng lên cao thì nó lại càng chung chung. Ví dụ như con ốc mà nâng tầm trừu tượng lên thì có thể coi là động vật thân mềm, trên bậc nữa thì nó là động vật, trên bậc nữa thì nó là sinh vật. Ngược lại đi xuống chi tiết hơn thì nó thuộc bộ phân theo môi trường sống, như ốc trên cạn, ốc nước mặn, ốc nước lợ. Sau đó đi vào họ và loại thì ta có thể chia ra ốc bươu vàng, ốc hương, ốc sên vườn…

Khi càng quan sát chi tiết thì ta càng nhìn nhận vấn đề một cách rõ nét. Khái niệm này có thể hiểu là quan sát vấn đề với độ phân giải cao. Ngược lại khi quan sát vấn đề ở mức độ chung và khái quát thì ta nhìn nhận vấn đề ở mức độ trừu tượng cao. Nhìn độ phân giải cao giống cách nhìn qua con mắt của con côn trùng, còn nhìn mức độ trừu tượng cao giống như nhìn qua con mắt của con chim. Nhìn chi tiết thì hẹp nhưng rõ. Còn bao quát thì thấy được tổng thể, nhưng chung chung đại khái. Ai cũng muốn có được một bức ảnh có tầm nhìn đủ rộng và có độ phân giải cao như của iPhone, nhưng để làm được điều đó cần cả một hành trình rèn luyện giữa tư duy trừu tượng và tư duy cụ thể.

Giả sử khi được giao việc, bạn nhận được chỉ thị nhưng không phải lúc nào cũng có được chỉ thị một cách rõ ràng, hãy cùng đọc câu chuyện sau nhé.

Sáng thứ Hai, sếp Minh gọi Hải vào phòng.

“Cậu đi mua cho tôi một cái bánh mì!”

Hải hí hửng chạy ngay. Năm phút sau, cậu mang về một ổ bánh mì trứng.

Sếp Minh nhíu mày:
“Tôi không ăn trứng! Cậu không hỏi tôi thích gì à?”

Trong thực tế, có nhiều trường hợp khi ta nhận chỉ thị, có nhiều chỉ thị khá chung chung và không rõ ràng. Trường hợp này ta gọi là chỉ thị có tính trừu tượng cao. Hai phía người nhờ việc và người được nhờ không cùng nhận thức về mức độ trừu tượng nên đã xảy ra những mâu thuẫn như câu chuyện mua ổ bánh mì kể trên.

Mức độ trừu tượng cũng đồng nghĩa với độ tự do của “suy luận” . Mức độ trừu tượng càng cao thì người tiếp nhận thông tin có thể suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau.

Người được nhờ có mua cái bánh mì trứng hay bánh mì thịt thì vẫn là bánh mì, như vậy không sai về yêu cầu đề bài. Vấn đề nằm ở chỗ người đặt ra yêu cầu để mức độ công việc ở mức độ trừu tượng cao, nhưng lại đòi hỏi thành quả ở mức độ cụ thể. Đây là mấu chốt của những xung đột, những vấn đề thường gặp trong công việc.

Việc hai bên xác nhận lẫn nhau để có được thành quả ăn khớp là điều quan trọng, tuy nhiên thợ rèn cho rằng hai bên cũng cần ý thức về mức độ trừu tượng. Người đặt ra yêu cầu thì nên đi vào chi tiết hơn dưới một mức, còn người nhận yêu cầu cũng nên xác nhận xem có đòi hỏi về mức độ chi tiết sâu hơn hay không?

Khi bạn đặt ra mục tiêu trong công việc, có thể bạn sẽ gặp phải sự phân vân nên thiết lập mục tiêu trừu tượng hay cụ thể. Ví dụ, thợ rèn có bốn mục tiêu như sau:

  1. Cống hiến cho quan hệ hữu hảo giữa hai nước Nhật – Việt
  2. Truyền tải văn hoá Nhật về Việt Nam và ngược lại
  3. Dịch các cuốn sách về sản xuất và xuất bản tại Việt Nam.
  4. Đọc và dịch 1 trang sách

Khi đọc bốn mục tiêu trên bạn sẽ thấy mục tiêu nào cho thấy cái chí cao hơn? Thợ rèn nghĩ nó là mục tiêu đầu tiên. Vì cái đầu tiên có tính bao trùm rộng nhất, và nghe có vẻ truyền cảm hứng nhất.

Ngược lại mục tiêu nào dễ thực hiện nhất? Câu trả lời lại là mục tiêu số bốn. Cái càng trừu tượng thì càng rộng, càng bao quát. Nhưng nếu mục tiêu chỉ có trừu tượng thì sẽ khó kết nối tới hành động cụ thể.

Do đó khi đặt mục tiêu nếu thiếu một trong hai thì sẽ không trọn vẹn. Nếu thiếu tính trừu tượng thì mục tiêu không đủ bao quát để thấy được cái đích tới đủ lớn. Còn khi thiếu tính cụ thể thì sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu. Do đó mục tiêu là một hành trình đi từ cụ thể tới trừu tượng và ngược lại. Quá trình này cần có qua có lại và bỗ trợ lẫn nhau.

Con người khác với các loài động vật khác là biết cách sử dụng ngôn ngữ trừu tượng. Trong công việc có những thứ nếu chi tiết quá sẽ không áp dụng được cho những trường hợp khác bối cảnh, nhưng khi ta biết trừu tượng hoá vấn đề, sau đó chuyển sang những ví dụ cụ thể khác thì ta đã khéo léo vận dụng được những kinh nghiệm ở những vấn đề khác nhau. Ví dụ nhìn từ việc tại Nhật có dịch vụ nấu ăn cho các trường học, ta có thể trừu tượng hoá việc này thành dịch vụ cung cấp đồ ăn bởi một bên thứ ba. Nếu phân loại theo cách này thì có thể liên tưởng tới các dịch vụ khác như cung cấp bữa trưa cho các công ty, bữa ăn cho các hãng máy bay, bữa ăn tối cho những người làm công trường, bữa ăn cho những người nông dân đi làm đồng…

Tính trừu tượng nó giống như một bộ khung. Bộ khung đó có thể được đắp thêm các phần khác để trở thành một hình thù cụ thể mới.

Khi đi lễ hội các bạn có thể thấy người hoạ sỹ vẽ tranh chipi, tức vẽ bức hình bắt nét, không vẽ giống 100% như vẽ tranh truyền thần. Đây cũng là một cách để trừu tượng hoá vấn đề. Họ loại bỏ cành, bỏ lá, chỉ lọc lấy điểm chung là phần chính như cái thân cây. Giống ví dụ con ốc, ốc sống trên cạn hay dưới nước, dù nước ngọt hay nước mặn thì đặc điểm chung là những con vật này có thân mềm, và có vỏ cứng trên lưng.

Để rèn luyện được tính trừu tượng thì chúng ta có thể luyện tập bằng cách quan sát những cái khác biệt và cố gắng tìm ra điểm chung. Con chuột và cái máy tính tưởng là hai thứ khác biệt nhưng có thể gom thành thiết bị điện tử. Người Nhật và người Việt có thể gom thành người châu Á. Như vậy tìm cái chung từ cái riêng là quá trình trừu tượng hoá.

Ngược lại nếu muốn rèn nhìn vấn đề một cách chi tiết thì ta phải nhìn ra cái riêng từ những cái tưởng là chung. Cùng là các nước châu Á nhưng Việt Nam và Nhật Bản có dân số khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, tiền tệ khác nhau, quốc kỳ khác nhau…Hải Phòng và Lào Cai cùng ở miền Bắc Việt Nam nhưng Hải Phòng có biển, còn Lào Cai thì không…

Việc trừu tượng hoá và cụ thể hoá này cũng rất hữu ích trong việc học ngoại ngữ. Nếu chúng ta ý thức về chúng, chúng ta sẽ phân loại được các từ vựng theo các nhóm khác nhau. Giả sử khi học về bữa sáng nếu trừu tượng hoá nó lên thì là bữa ăn, sau đó rót xuống vậy ngoài bữa sáng ra thì còn có bữa nào nữa không? Câu trả lời là bữa trưa, bữa tối, bữa ăn giải lao, bữa ăn nhẹ giữa giờ… bằng cách này ta sẽ tăng vốn từ vựng theo một cách có quy luật. 

Cuốn sách hôm nay thợ rèn giới thiệu có nội dung sơ lược về trừu tượng và cụ thể. Cá nhân thợ rèn nghĩ cuốn sách này chưa phải là một cuốn sách đắt giá để dịch ra tiếng Việt tuy vậy có thể xem là một cuốn nhập môn để chúng ta gợi mở một khái niệm mà thường ngày ta ít để tâm tới.

— By Thợ rèn