#2- Cuốn sách nghệ thuật làm việc theo tâm lý học Adler

Cuốn sách được chuyển thể từ tâm lý học sang công việc cụ thể

Thợ rèn cầm trên tay cuốn sách này khi đi nhà sách tại ga Tsu thuộc tỉnh Mie trong một ngày cuối tuần. Bình thường thợ rèn sẽ chọn mua sách cũ trên Amazon Japan vì có thể tiết kiệm được từ 20-50% so với mua sách mới tại các nhà sách. Nhưng cuốn sách tâm lý học Adler này có vẻ như sách cũ cũng không rẻ, do vậy thợ rèn đã quyết định mua luôn cuốn mới về đọc.

Cuốn sách được viết bởi tác giả Kuwahara Teruya, một người không phải chuyên về tâm lý học, ông là cố vấn cho một công ty tư vấn về cải tiến sản xuất. Tác giả đã từng hợp tác và làm việc với ông Wakamatsu Yoshihito, người cũng đã có nhiều đầu sách liên quan tới phương thức sản xuất Toyota. Bộ sách của ông đã được Nomudas dịch và xuất bản tại Việt Nam, với số lượng đầu sách đã được bán ra là hơn 100 ngàn cuốn. Bởi vậy khi đọc cuốn sách này thợ rèn đôi lúc tự dưng nhận thấy quen quen, quen vì có vẻ nội dung gần với những cuốn sách trước đây mình đã trực tiếp bắt tay vào dịch. Cũng một phần thấy quen quen vì dường như thấy nội dung na ná ở đâu đó, như cuốn “Dám bị ghét” – cuốn sách cũng đã được xuất bản tại Việt Nam.

Cuốn sách về tâm lý học, tuy nhiên nội dung đã được chắt lọc và được diễn giải theo cách thực chiến. Với những nội dung chi tiết cụ thể để ai cũng có thể nhặt được lấy 1-2 ý phù hợp với bản thân từ khoảng 70 nội dung khác nhau. Thợ rèn nghĩ cuốn sách này cũng rất dễ đọc và phù hợp với các bạn học tiếng Nhật N2, N1. Các bạn có thể mua và đọc trực tiếp để tăng vốn từ vựng. Nếu đánh giá về việc có nên dịch hay không thì thợ rèn để điểm 3/5, có nghĩa là chưa phải là cuốn sách xuất sắc để dịch ra tiếng Việt. Vì lý do này, thợ rèn sẽ chỉ nhặt lấy một số ý mà thợ rèn nhận thấy có vẻ thú vị để chia sẻ trong bài viết này.

Dũng khí có ba loại, dũng khí dám chấp nhận sự không hoàn thiện tưởng biết mà không biết

Cuốn sách có đề cập tới một nội dung về dũng khí. Dũng khí hay dũng cảm được phân ra làm ba loại. Dũng khí chấp nhận sự chưa hoàn hảo, dũng khí chấp nhận thất bại, và dũng khí thừa nhận sai lầm. Trong ba loại dũng khí này thì thợ rèn nghĩ, dũng khí chấp nhận sự chưa hoàn hảo là thứ khó nhận ra nhất.

Khi chúng ta bắt tay làm một thứ gì đó, ở trong đầu sẽ xuất hiện nhiều luồng suy nghĩ. Có những thời khắc ta có một ý tưởng và tính bắt tay vào làm, nhưng rồi lại sợ. Sợ mọi người xung quanh cười chê, sợ không đủ nguồn lực, sợ làm không tới đầu tới đuôi. Có rất nhiều nỗi sợ. Thợ rèn cũng sợ, và thợ rèn hiện tại vẫn còn những nỗi sợ đó.

Cá nhân thợ rèn nghĩ, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo hoặc những người được xung quanh dán cho cái mác hoàn hảo thì nỗi sợ này càng lớn. Nó như một sức mạnh vô hình kéo níu chân ta. Hệ quả là ta không bắt tay vào làm, và thời gian thì cứ trôi theo năm tháng khi ta giật mình nhìn lại thì ta càng ngày càng có tuổi còn những ý định những kế hoạch của mình thì vẫn còn nằm trên giấy, tệ hơn là có khi ta đã quên đi tự lúc nào.

Gần đây khi áp lực công việc tăng cao, có những thời điểm thợ rèn tính sẽ rời công việc để quay trở lại với những đam mê từ hồi xưa đó là dịch và viết sách. Những lúc như vậy thợ rèn mới chợt giật mình nhận ra mình lại sợ, lại bị cái nỗi sợ không dám chấp nhận sự chưa hoàn hảo nó bao lấy. Rồi thợ rèn nghĩ, thôi cứ làm đi, làm đi sai rồi sửa, có vấn đề thì mình mới có bài tập cho những sự cải tiến. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải trải qua các giai đoạn nằm bò, tập đứng, tập đi, vậy thì cớ gì mình đòi hỏi tất cả những ý tưởng của mình phải vẹn toàn ngay từ đầu.

Việc quá sức – đòi hỏi vô lý, không sao ném vào đây tôi sẽ thử

Bước chân đi làm, sẽ không tránh được những trường hợp có những đòi hỏi vô lý. Đòi hỏi vô lý là những đòi hỏi vượt quá sức trong công việc. Ví dụ yêu cầu về kỳ hạn, yêu cầu về số lượng công việc phải hoàn thành, yêu cầu phải xử lý những bài toán khó chưa từng gặp phải, yêu cầu phải đối ứng trong trường hợp khẩn cấp. Những yêu cầu này có thể đến từ cấp trên, khách hàng, đôi lúc đến từ những sự cố bất ngờ nằm ngoài tầm kiểm soát của cả bạn và công ty.

Khi cuộc đời ném cho mình những đòi hỏi có phần vô lý này, Adler có đề xuất hãy đừng từ chối vội, hãy thử lao vào và làm thử. Bởi năng lực của chúng ta và vô hạn, những lý do để ta từ chối đến từ những kinh nghiệm và những điều ta trải qua trong quá khứ. Như vậy nếu ta không thử sức thì chẳng khác gì ta tự giới hạn bản thân và lỡ nhịp để bước lên một bậc mới, một bậc để thay đổi chính bản thân mình. Sau khi cố gắng hết mình, làm hết sức, người mệt nhoài và tự tin nói rằng, sếp ơi em đã quá sức rồi, lúc đó từ chối cũng không sao.

Cá nhân thợ rèn tháng tư năm trước mới chuyển lĩnh vực làm việc. Dù cùng trong công ty, hiểu về văn hoá làm việc nhưng sự thay đổi về kiến thức nền, nội dung công việc, đặc biệt là những trường hợp phải lao vào đối ứng với khách hàng bằng tiếng Anh thay vì tiếng Nhật có lúc khiến thợ rèn cảm thấy hơi quá sức. Có những thời điểm nửa đêm giật mình tỉnh giấc, có những hôm trong mơ còn nghĩ tới công việc, có những hôm ngồi lại công ty tới 11-12 giờ đêm để hoàn thành bản vẽ kịp ngày hôm sau chạy hàng dưới xưởng. Sau những lần như vậy, thợ rèn cũng có thưởng cho mình bằng những lời cằn nhằn với những người đặt ra yêu cầu. Và thợ rèn nhận thấy, khi mình đã cố gắng hết sức đối với cả những yêu cầu quá đáng, những lời cằn nhằn của mình sẽ được người khác lắng nghe, ngược lại khi không làm, những lời cằn nhằn đó chẳng ai đoái hoài tới.

Khi cứ lao vào làm thử đôi khi cũng cho phép bản thân chúng ta nhận ra được giới hạn mới của bản thân. Kết quả là không hoàn thành được thì chí ít mình cũng biết được phạm vi năng lực của mình còn tốt hơn thời điểm chưa bắt tay vào làm.

Nói như vậy cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta hi sinh tất cả vì công việc. Thợ rèn nghĩ sức khoẻ là quan trọng, không có gì quan trọng hơn để đánh đổi với sức khoẻ. Do đó khi cảm thấy vượt quá giới hạn thợ rèn nghĩ mình cũng mạnh dạn quyết định điểm dừng hợp lý. Điều quan trọng không phải là lao vào làm như con thiêu thân, mà là cố gắng hết mình để sao cho có thể tự tin với lời từ chối được đưa ra.

Công việc mà không ai chỉ – chả sao đó là cơ hội để phát triển

Trong công việc tại Nhật thường thì người đi trước sẽ chỉ cho người đi sau. Có nhiều công ty họ làm rất kỹ phần này. Trong tiếng Nhật họ dùng từ OJT (On the Job Training) ý chỉ việc đào tạo trong thực chiến. Cá nhân thợ rèn khi còn làm kỹ sư trong bộ phận kỹ thuật sản xuất cũng rất để tâm tới việc này. Không có chuyện ném việc cho ai đó mà không chỉ bảo đầu vào (input), đầu ra (output), quá trình thực hiện (process) trường hợp cần thiết thì thợ rèn còn làm mẫu và kiểm tra một vài lần trước khi bàn giao. Tuy vậy không phải nơi nào cũng làm một cách chỉn chu. Có những nơi làm việc khi vào công ty, họ bàn giao bài toán, sau đó cách giải thì tự đi mò. Nếu ai quen với cầm tay chỉ việc đôi khi sẽ hơi hụt hẫng, rồi ngồi than trời bảo cấp trên, rồi những người đi trước chả chịu chỉ cho. Hằm hằm, hừ hừ đến hết ngày về nhà với một cục tức.

Thợ rèn cũng đã trải qua cảm giác như thế này. Bởi chính bản thân thợ rèn là người làm mẫu cho việc chỉ bảo tận tình người khác nên khi nhận được những công việc mà việc bàn giao quá là sơ sài, khiến cho công việc không tiến triển được, thậm chí có những trường hợp còn tốn thời gian làm lại thì càng làm cho cục tức nó tăng xông. Nhưng bình tĩnh nghĩ lại, khi chúng ta đi làm, mọi người bình đẳng với ta. Chẳng ai có trách nhiệm phải làm cái điều mà ta mong muốn họ làm cho ta. Hoặc nếu suy nghĩ tích cực hơn thì có thể xem việc họ sơ sài trong cách chỉ đạo đồng nghĩa với việc họ có tin tưởng vào năng lực của chúng ta, họ kỳ vọng rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề mà không cần tới những chỉ thị hết sức chi tiết.

Thợ rèn nghĩ đó cũng là cách chúng ta có thể thiết lập cho tư duy (mindset) của mình để chấp nhận thử sức với những điều bất như ý. Không chỉ cho chi tiết ư, không vấn đề, đó chính là dư địa để chúng ta phát triển và tự do sáng tạo. Trường hợp mà ta vẫn cần tới sự trợ giúp, không sao, cứ xông tới và hỏi, hỏi tới mức họ cảm thấy khó chịu. Khi đi làm, việc quan trọng nhất là chúng ta biết được nhiệm vụ, trách nhiệm và phạm vi công việc của mình. Tự mình khám phá cũng được, được người khác chỉ cho cũng được. Chẳng may không được chỉ cũng không sao, chủ động đi hỏi, chủ động tìm tòi là tâm thế hết sức quan trọng.

Trên đây thợ rèn đã chia sẻ 3 ý mà thợ rèn thấy thú vị trong cuốn sách này. Nếu các bạn thấy hay hãy tìm đọc để có được thêm nhiều nội dung mới. Cuốn sách này thợ rèn cũng có làm bản audio, các bạn có thể nghe khi không có thời gian đọc nhé.

Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong các cuốn sách tiếp theo.