Bài hôm nay thợ rèn xin chia sẻ với các bạn về cuốn sách “Thói quen của những người nỗ lực được đền đáp và những người không được đền đáp”.
Cuốn sách này thuộc dòng sách phát triển bản thân, dài chừng 200 trang, bao gồm 50 hạng mục là những so sánh giữa người làm việc nỗ lực có được sự đền đáp và những người làm việc nỗ lực nhưng không nhận được sự đền đáp. Mỗi nội dung được trình bày trong bốn trang, câu từ viết cũng khá dễ hiểu, ai có tiếng Nhật N2, N1 thì có thể đọc được không quá khó. Cuốn sách có nội dung gần gũi và có tính áp dụng cao, có thể coi là một tài liệu tham khảo để so sánh giữa cách làm việc của bản thân và cách nhìn nhận từ góc độ của tác giả.
Thợ rèn có đọc qua và xin được nhặt lấy 4 ý chính như dưới đây.
- Nghĩ về hình ảnh tương lai dưới dạng quá khứ
- Khi bắt đầu không cần quá bận tâm tới thành công hay thất bại. Hãy ưu tiên cho việc có cơ hội để phát triển bản thân hay không?
- Không chiến đấu với những cám dỗ, hãy cách xa những cám dỗ
- Nỗ lực tại đúng môi trường, nếu thấy không hợp hãy thay đổi môi trường
Nghĩ về hình ảnh tương lai dưới thời quá khứ
“Hãy thử tưởng tượng bạn đã hoàn thành mọi mục tiêu – thăng chức, mua nhà, đi du lịch khắp thế giới. Cảm giác đó thế nào? Giờ thì hãy nhìn lại thực tại và tự hỏi: ‘Làm sao để biến viễn cảnh đó thành hiện thực?’. Đây là ví dụ về cách suy nghĩ về hình ảnh tương lai dưới thời quá khứ.
Mục đích là để duy trì cảm hứng trong công việc. Khi mường tượng về tương lai, ta vẽ trong đầu hình ảnh ta đã hoàn thành khi chúng chưa được bắt đầu, điều kỳ diệu là mọi thứ ta vẽ ra, cái ta vẽ càng chi tiết thì khả năng đạt được lại càng cao. Nghĩ về tương lai dưới thì quá khứ có thể coi là một cách thôi miên bản thân, đánh lừa bản thân theo hướng mà mình muốn đi tới.
Viễn cảnh tương lai xa thì có thể vài năm, một năm, một vài tháng, gần thì trong tuần, trong ngày. Cá nhân thợ rèn thấy trải nghiệm có thể dễ kiểm chứng nhất đó chính là hình dung công việc trong ngày. Khi khởi đầu một ngày có thể hình dung về những đầu việc mình sẽ hoàn thành trong ngày. Cảm giác sung sướng khi kết thúc một ngày. Cảm giác được bước vào bồn tắm sau cuối ngày làm việc.
Tại sao việc hình dung này lại quan trọng? Vì nó giúp ta mường tượng và ý thức về việc mình mong muốn đạt được. Nếu ta không ý thức về nó, tự khắc sẽ có những luồng suy nghĩ xen ngang chiếm lấy suy nghĩ của ta. Việc ta tưởng tượng về những gì sẽ làm, chẳng khác gì cách ta đặt sẵn yêu cầu đối với não bộ, nơi nếu ta không đặt trước nó sẽ hoàn toàn hoạt động dựa trên tiềm thức và bản năng.
Khi bắt đầu không cần quá bận tâm tới thành công hay thất bại? Hay ưu tiên cho việc có cơ hội để phát triển bản thân hay không?
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chần chừ cho các quyết định đó là suy nghĩ về sự thành bại trước khi bắt đầu. Khi đặt lên bàn cân mà thấy có nguy cơ thất bại, tâm lý thường sẽ là lựa chọn phương án tốn ít năng lượng hơn, ít rủi ro hơn, ít thất bại hơn. Thông thường không làm gì sẽ là lựa chọn tối ưu cho cách suy nghĩ này. Về ngắn hạn thì điều đó có thể đúng, nhưng về dài hạn thì không làm gì là một bước lùi cho sự phát triển của bản thân.
Thay vì dùng thước đo là thành công hay thất bại, ta có thể lựa chọn thước đo đó là việc này có cho phép bản thân có được sự tiến bộ hay không? Nếu có chuẩn mực là sự tiến bộ của bản thân thì trải nghiệm thành công cũng tốt, mà thất bại cũng chẳng sao, vì nó sẽ là một cột mốc cần đi qua để đi tới đích. Quy chuẩn này giúp ta bật một cái nút bấm cho phép ta chấp nhận sự chưa vẹn toàn, có thể thất bại, sẵn sàng đón nhận và học tập từ bất kể những gì gặp được trên hành trình thực hiện.
Thợ rèn nhận thấy cách suy nghĩ này hay. Hay ở chỗ nó tiếp thêm động lực để giúp bản thân dám đưa ra quyết định khi còn có sự mơ hồ. Những ai mà giỏi thu thập thông tin nhưng thiếu quyết đoán, cách suy nghĩ như thế này có thể là một cách làm giúp phá cách tạo nên sự đột phá cho bản thân.
Năm ngoái khi thợ rèn quyết định đổi đơn vị công tác, chuyển từ làm về vật liệu phân cực qua vi mạch mềm, chuyển từ làm kỹ sư sản xuất sang làm thiết kế, đó là một quyết định có nhiều đắn đo. Cũng lo mình không biết có đáp ứng được nhu cầu công việc hay không? Cũng lo rời nơi làm việc cũ có thể sẽ cần thời gian làm quen và gặp nhiều khó khăn.
Thực tế đúng là như những gì mình lo lắng. Khó khăn và có những thời điểm cảm thấy quá sức, nhưng bù lại khi ở trạng thái quá sức nó cũng giúp mình nhận ra những bài toán. Đôi lúc còn giật mình tự bảo, có khi nào mình quyết định sai lầm hay không? Nhưng thợ rèn tự bảo với mình rằng sai lầm hay đúng đắn không nên chỉ đánh giá tại thời điểm sự vật sự việc diễn ra, sai lầm hay đúng đắn cũng có giá trị tương đối về thời gian và không gian, hãy tạm thời gác việc đúng sai, hãy tập trung vào hiện tại. Sau này năm năm, mười năm nữa nhìn lại thời thế sẽ đổi thay. Giả sử nếu ta vẫn vững tâm với những quyết định tại mỗi thời điểm thì dù trong quá khứ có sai lầm đi chăng nữa, năm năm, mười năm sau ta cũng nhẹ nhàng đón nhận nó theo cách không có gì nghiêm trọng cả.
Người ta sẽ xin lời khuyên của những người đã từng làm chứ chẳng ai đi xin lời khuyên của những người chưa từng làm. Bởi vậy thay vì quá lo lắng về việc thành bại, hãy lo lắng về việc không làm gì.
Không chiến đấu với những cám dỗ, hãy cách xa những thứ cám dỗ ta
Khi ngồi học bài và viết bài ở nhà, có những thứ sau cám dỗ thợ rèn:
- Cái giường với cái chăn ấm
- Đồ ăn trong tủ lạnh
- Cái máy tính kết nối internet
- Cái ti vi ở cạnh góc bàn
Khi ngồi làm việc trong căn phòng của mình thợ rèn có thể tự do bật những bài nhạc yêu thích, nhưng thực tế có không ít hơn một nửa thời gian học tập và làm việc ở nhà thợ rèn đã bị sao nhãng hoặc bị những điều cám dỗ kể trên. Chúng dẫn thợ rèn đi tới những nơi khác ngoài nhiệm vụ chính là đọc và viết bài.
Cũng vì lý do này mà khi làm việc, thợ rèn cũng chọn lên công ty thay vì làm việc tại nhà. Công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà, đặc biệt vào giai đoạn corona bùng phát hay giai đoạn cúm mùa tăng số ca tại Nhật. Tuy vậy cả năm nay, gần như thợ rèn không làm việc tại nhà buổi nào.
Thay vì lựa chọn chiến đấu với những cám dỗ, cách tốt nhất đó là tránh xa những cám dỗ. Khi ta ở trong môi trường có những cám dỗ, ai đó mà có thể chiến thắng được những cám dỗ thì thực sự là những người tuyệt vời. Cách mà thợ rèn tránh xa những cám dỗ có thể kể tới đó là
- Lên thư viện ngồi học và đọc sách
- Ra một quán cà phê hoặc một quán ăn nào đó yên tĩnh để có thể học bài
- Đi đâu đó bằng tàu điện, tàu cao tốc, hoặc máy bay
- Lên công ty từ sáng sớm và làm việc trong những căn phòng riêng
- Làm việc tại những khu vực tập trung tránh tiếng ồn
Có nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng thành công tỷ lệ nghịch với số lần tiếp xúc với những cám dỗ. Chừng nào còn tiếp xúc chừng đó còn có nguy cơ bị cám dỗ đánh bại. Vậy thì thay vì lựa chọn đi vào sàn đấu, việc lựa chọn đi tới những nơi mà ở đó không có cám dỗ có thể coi là cách lựa chọn thông minh hơn.
Nỗ lực tại đúng môi trường, nếu thấy không hợp hãy thay đổi môi trường
Có một sự mâu thuẫn nhẹ giữa hai luồng suy nghĩ. Thứ nhất là cố gắng hoà mình với môi trường, tức tăng khả năng thích ứng. Thứ hai là giữ được bản sắc của cá nhân, rời đi khi cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường xung quanh. Vậy nên biến mình thành con tắc kè hoa hay giữ vững bản chất chim thì bay trên trời, cá thì bơi dưới nước hay có một lựa chọn nào đó dung hoà cả hai?
Khi bạn có thể quyết định lựa chọn môi trường và chủ động đưa ra quyết định không cần quá đắn đo thì xin chúc mừng bạn. Bạn đã chuẩn bị chu đáo cho mọi trường hợp. Bạn không phụ thuộc vào môi trường.
Tuy vậy vẫn có những trường hợp, sự níu kéo hoặc có những sự trao đổi về lương thưởng và môi trường làm việc có thể hấp dẫn chúng ta. Trường hợp này ta phải làm sao?
Người Nhật có câu ngồi trên đá cũng phải ba năm, 『石の上にも三年』. Có nghĩa là khi gặp khó khăn đi chăng nữa hãy cố gắng nhẫn nại và chịu đựng trong một khoảng thời gian nhất định, một cột mốc người xưa tham chiếu là ba năm. Chịu được ba năm rồi rồi có chuyển đi đâu thì đi. Điều này có còn thực sự phù hợp trong xã hội ngày nay hay không?
Ngày xưa có thể đúng nhưng nay khi thời đại thay đổi suy nghĩ này có vẻ gần như không còn đúng nữa, ít nhất đó là về cột mốc tham chiếu ba năm. Khi ta có được lý do chính đáng và đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không có được sự phù hợp thì việc chuyển đi là một giải pháp tốt cho cả đôi bên. Để tránh việc rời đi một cách bồng bột, thợ rèn nghĩ tự đặt cho mình một kì hạn ví dụ như 6 tháng hay một năm. Đó là khoảng thời gian cho sự chuẩn bị, và đó cũng là khoảng thời gian để ta nhận thấy cuộc sống là hữu hạn. Khi nhận ra sự hữu hạn cách ta trải nghiệm những gì diễn ra trong môi trường đó đôi lúc sẽ hoàn toàn thay đổi, ta sẽ nhận ra những gì mình đang trải qua sẽ trở thành kỷ niệm, những khó khăn ta gặp phải rồi sẽ trở thành quá khứ, do đó chẳng có gì phải bận tâm quá sức mà chỉ cần tập trung cho thời điểm lúc đó.
Cuốn sách này thợ rèn nghĩ khá thú vị. Xét ở giá trị đọc dịch, thợ rèn sẽ để điểm 4/5.
— By Thợ rèn