Cuốn sách sống cuộc đời coi trọng gia đình hơn công việc (家族>仕事で生きる) của cặp vợ chồng Akashiro (赤城夫婦)có một chi tiết thợ rèn thấy thú vị, đó là việc so sánh cuộc đời với một cái cây. Sự so sánh này giúp chúng ta có thể chiêm nghiệm về cuộc đời của mình và rút ra phương châm sống cho chính bản thân mình.
Key notes
- Gia đình là gốc, công việc là cành
- Cây cỏ không cần thành cổ thụ
- Cây có muốn trường tồn và đứng vững trong bão táp phải tự bỏ cành
Gia đình là gốc, công việc là cành
Một cái cây có rễ, có thân, có cành có lá. Sự so sánh gia đình là gốc, cành là công việc là cách so sánh có phần khiến chúng ta dễ liên tưởng.
Gia đình là suối nguồn dinh dưỡng. Gia đình âm thầm ở phía sau, và nâng đỡ ta khi có sóng gió. Rễ cây mà không đủ rộng thì cây trồng xuống cũng thiếu dinh dưỡng. Rễ cây mà nông thì gặp cơn gió nhẹ cũng có thể đổ.
Rễ cây cũng là nơi lấy nước, khoáng chất cần thiết để giúp cho cây có thể tổng hợp được những nguồn dinh dưỡng cần thiết, phần để nuôi cây, phần để tạo ra hoa ra quả.
Cành cây thì khác. Cành cây hiện hữu trên mặt đất. Nó lan toả ra xung quanh. Cành cây có lá. Lá là nơi hấp thụ năng lượng mặt trời, để tổng hợp protein.
Nhìn vào một cái cây, người ta trước hết sẽ nhìn vào thân cây, tán cây, hoa và quả. Thân cây to, tán cây rộng và đẹp thì người ta đánh giá nó là cây tốt. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, công việc mà hoàn hảo thì dễ nhận được những đánh giá tuyệt vời từ xung quanh. Cành cây đẹp, quả to mọng, hoa tươi tốt, người hưởng được là muông thú xung quanh. Nếu không hưởng, khi hoa tàn, quả rụng, rễ cây kia cũng chẳng nhận được gì.
Cành cây mùa tuyết
Bữa thợ rèn có đi lên Shirakawago một khu làng cổ nằm tại tỉnh Gifu thuộc miền trung Nhật Bản để tham quan cảnh tuyết mùa đông. Dọc đường xe buýt đi ven sườn núi, thợ rèn có phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Những cành cây mùa đông khẳng khiu, trừ cây tuyết tùng còn những cây khác dường như không còn lá.
Những cây ở vùng tuyết cành cây cũng ít hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu nhiều cành và lại còn lá nữa thì chỉ cần một trận tuyết lớn là tuyết bám lên, sức nặng của tuyết làm cành cây bị gãy.
Tuyết cũng chẳng khác gì những khó khăn từ ngoại cảnh. Ngoại cảnh là thứ chúng ta không thể điều khiển được. Dù có khó khăn hay có những bất mãn thứ chúng ta có thể thay đổi được đó chính là tối ưu chính bản thân mình, chứ không phải là thay đổi tuyết rơi ngoài trời. Điều này giống như cách cây xứ lạnh ít cành và rụng lá vào mùa đông.
Cây cỏ không cần thành cổ thụ
Trong hệ sinh thái có cây cổ thụ sống cả ngàn năm, có cây cổ thụ sống trăm năm, nhưng cũng có cây như cây thân cỏ, cây lúa vòng đời chỉ có 4-6 tháng.
Cây lúa có muốn sống mấy chục năm cũng không được. Vòng đời của nó được quyết định bởi đặc tính di truyền. Mỗi cây có những đặc tính riêng, không cây nào giống cây nào.
Vòng đời của cây lúa ngắn, nhưng nó cũng có đủ chu kỳ từ lúc thiếu thời là cây mạ cho tới lúc thanh xuân là cây lúa non, rồi tới lúc trưởng thành là cây lúa trổ nòng, và cuối cùng là cây lúa được thu hoạch.
Cuộc đời và công việc cũng vậy. Xã hội đều có sự phân công. Có những sự phân công đã được sắp đặt một cách phù hợp với quy luật tự nhiên. Có những thứ ta muốn cũng không được và ngược lại cũng có những thứ ta không muốn cũng vẫn phải đón nhận. Cây cỏ không cần phải cố gắng trở thành cây cổ thụ, nó chỉ cần sống như một cây cỏ xanh mướt cho hết vòng đời như vậy đã là trọn vẹn.
Cây muốn trường tồn và đứng vững trong bão táp phải tự bỏ cành
Ở khu di tích Bạch Đằng thuộc tỉnh Quảng Ninh có hai cây Lim Giếng Rừng. Đây là hai cây Lim có từ thời cha ông ta chống quân xâm lược Mông Nguyên. Khoảng một ngàn năm trước, ông cha ta đã dùng cây lim để làm cọc cắm xuống dưới lòng sông. Khi thuỷ triều rút, những cây cọc nhô ra, đâm thủng chiến thuyền của quân giặc. Giờ nếu ai về Quảng Ninh, ghé Quảng Yên sẽ vẫn có thể ghé thăm hai cây lim đang đứng sừng sững ở đó.
Thợ rèn cũng có đi thăm các khu đền của Nhật. Tại những khu đền lớn thường xung quanh có các loại cây họ tùng được trồng theo nếp. Những cây này tuổi đời ít thì trăm năm, cây nào nhiều thì bốn năm trăm năm. Bạn nào có dịp thăm Isejingu (伊勢神宮) tại tỉnh Mie, một tỉnh miền trung của Nhật thì có thể dễ dàng bắt gặp những cây cổ thụ lớn.
Đặc điểm chung của những cây đại cổ thụ lâu năm đó là cành cây rất ít. Chỉ những khu quanh ngọn mới còn cành, những khu vực quanh gốc cây cành đều rụng hết. Sự gọt giũa những cành cây này có thể do mưa bão, cũng có thể bản thân cây trong quá trình phát triển tự có cơ chế để loại bỏ. Nhờ việc tối ưu này mà khi phong ba bão táp tới, cây không bị quật đổ. Cành cây là nơi tạo ra dinh dưỡng cho cây, nhưng khi có biến, nó cũng là thứ đón lấy những đòn quay quật từ bên ngoài.
Công việc của chúng ta cũng vậy. Lúc yên bình thì không sao, nhưng khi có biến, ôm đồm quá sức sẽ trở thành thứ quật đổ chúng ta. Vậy thì sao ta không chủ động giữ lại những cành khoẻ nhất ở những vị trí đón nhận năng lượng tốt nhất. Giữ lại một lượng vừa đủ, thứ không cần thì hãy tự giũa đi.
Sự ví von gần gũi và đơn giản, ai cũng có thể mường tưởng ra. Nhưng để viết được câu chuyện này như cách vợ chồng nhà Akashiro nêu trong cuốn sách, thợ rèn nghĩ đó là kết quả của một quá trình trải nghiệm và quan sát tự nhiên.
Hi vọng rằng qua việc soi chiếu vào hình ảnh cái cây, bộ rễ và cái cành với cuộc đời, gia đình và công việc sẽ giúp ta dừng lại một nhịp để tự vấn bản thân. Liệu mình có đang ôm đồm quá nhiều, có đang chạy theo tạo hình cho bề nổi mà quên mất việc chăm lo cho bộ rễ, có khi nào mình quá theo đuổi sự hoàn hảo, không dám tự gột bỏ những công việc không cần thiết, khiến một cơn gió nhẹ từ ngoại cảnh cũng đủ làm ta xao động hay không?
By — Thợ rèn